Con số 108 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 47.500 căn hộ được các địa phương đăng ký hoàn thành trong năm 2024 cho thấy đã có những tín hiệu tích cực từ chính sách phát triển nhà ở xã hội. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về quỹ đất, nguồn vốn, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
503 dự án đã được triển khai
Theo con số của Bộ Xây dựng, trong năm 2024, Hà Nội đăng ký hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội với khoảng 1.200 căn hộ. Báo cáo về tiến độ triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã bố trí vốn ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô sử dụng đất 248ha tại Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Trì và Thường Tín.
Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đối với 4/5 dự án với quy mô 203ha, hơn 0,8 triệu m2, khoảng 12.300 căn hộ. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang chủ trì thẩm định 4 dự án này. Trong đó, 2 dự án đã có quy hoạch chi tiết được duyệt đều ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là dự án khu nhà ở xã hội Thành phố Kết nối xanh Green Link City (quy mô khoảng 210.000m2 sàn, 3.200 căn hộ) và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới - nhà ở xã hội (quy mô khoảng 196.000m2 sàn, 3.000 căn hộ). Ba dự án khu nhà ở xã hội tập trung chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt là dự án tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (quy mô khoảng 152.000m2 sàn, 2.400 căn hộ), dự án tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (quy mô khoảng 215.000m2 sàn, 3.600 căn hộ). Dự án khu nhà ở xã hội tập trung tại ô đất C1-5 thuộc quy hoạch phân khu đô thị S5, huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín đang vướng mắc về phạm vi, ranh giới liên quan đến phương án mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi thuộc quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đấu nối TP Hà Nội nên chưa thể triển khai.
Nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng được nhu cầu của một đại đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa tiếp tục có đề xuất mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch gần 669ha tại Hà Đông, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh... Cụ thể: Khu nhà ở xã hội tập trung tại thị trấn sinh thái Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 169ha); dự án tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (khoảng 127ha); tại xã Thạch Hoà, huyện Quốc Oai (khoảng 78ha); tại quận Hà Đông (khoảng 50ha); tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (khoảng 105ha); dự án tại huyện Đan Phượng (khoảng 22ha); tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (khoảng 46,6ha - trước đây đề xuất xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an); tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (khoảng 63ha); tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (khoảng 13ha). Như vậy, nếu đề xuất trên được chấp thuận, Hà Nội sẽ có 14 khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích hơn 917ha.
Trên quy mô cả nước, tại buổi thông tin báo chí thường kỳ quý II/2024 do Bộ Xây dựng vừa tổ chức, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải cho biết, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện, đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển nhà ở xã hội. Do vậy, việc phát triển và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua có những chuyển biến tích cực, nguồn cung và các dự án khởi công xây dựng mới đã tăng so với các năm trước. “Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước hiện có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Tăng 4 dự án với 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn và số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn”, ông Hoàng Hải cho biết.
Gỡ rào cản
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, vẫn có những rào cản khiến nhà ở xã hội khó tăng tốc, khó thu hút các doanh nghiệp tham gia đã được Bộ Xây dựng thừa nhận. Chính vì vậy, cần sớm có những điều chỉnh để tháo gỡ những vướng mắc này. Về mặt chính sách, việc đẩy nhanh hoàn thiện các quy định, các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được triển khai. “Một vướng mắc nữa là về nguồn vốn, hiện mức lãi suất ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng rơi vào khoảng 8%/năm với chủ đầu tư và 7,5%/năm với người mua nhà. Nhìn sang gói tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, mức lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội chỉ khoảng 4,8%/năm.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện”, ông Hoàng Hải cho hay.
Trong khi đó, để gỡ khó về mặt quỹ đất, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong lúc nhà nước chưa có sẵn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thì rất cần khuyến khích các nhà đầu tư tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội. “Một trong các cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư chính là việc cho phép “chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà thửa đất, khu đất chỉ có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hoặc trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội”. Bởi lẽ, nếu không có cơ chế chính sách này thì nhà đầu tư sẽ lựa chọn sử dụng quỹ đất mà mình đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dễ làm hơn, hiệu quả hơn thay vì thực hiện dự án nhà ở xã hội bị “ràng buộc” với rất nhiều quy định”, ông Châu cho hay.