Thủ tướng phê duyệt đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội

  Thứ Tue, 04/04/2023  (0)Bình luận

Ngày 3/4/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng ký phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

 

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 xây được một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Đề án được kỳ vọng sẽ giúp giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.

 

Để đạt được mục tiêu, Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, địa phương phải xác định diện tích đất xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

 

Nhà ở xã hội cũng sẽ là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành, là một hạng mục trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương. Một số quy định sẽ được bổ sung như huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và huy động vốn nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.

 

Trước mắt, Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác cho chủ đầu tư và người mua nhà xã hội, nhà ở công nhân vay. Lãi suất cho những nhóm này thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường, trong từng thời kỳ.

Khu nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành trên đường Lê Tấn Bê (quận Bình Tân, TP HCM) với quy mô 930 căn hộ trong khuôn viên 18.000 m2. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành trên đường Lê Tấn Bê (quận Bình Tân, TP HCM) với quy mô 930 căn hộ trong khuôn viên 18.000 m2. Ảnh: Quỳnh Trần

 

Quy định lựa chọn chủ đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng khuyến khích xã hội hóa. Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp sẽ đồng thời làm chủ đầu tư xây hạ tầng khu nhà lưu trú công nhân. Họ có thể tự xây nhà lưu trú hoặc bàn giao cho Ban quản lý khu công nghiệp để chuyển giao đất có hạ tầng cho Tổng Liên đoàn lao động hoặc doanh nghiệp khác xây nhà lưu trú.

 

Phần 20% diện tích thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án. Các tỉnh, thành phải trích phần tiền sử dụng đất của dự án nhà thương mại, khu đô thị để xây hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư xây nhà xã hội sẽ không phải nộp lại tiền sử dụng đất được miễn khi bán nhà.

Doanh nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà xã hội cho người lao động trong đơn vị thuê lại. Địa phương phải công khai quỹ đất xây nhà ở xã hội để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư; bố trí ngân sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

 

Chính phủ yêu cầu các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng ưu tiên xây dự án độc lập nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở vị trí thuận tiện, quy mô lớn, đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản quan tâm hơn đến nhà ở xã hội.

 

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng có hướng dẫn triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo đó, từ nay đến 30/6, người mua nhà ở xã hội sẽ được vay từ gói 120.000 tỷ đồng lãi suất 8,2% mỗi năm, trong 5 năm. Mỗi người mua nhà được vay vốn một lần để mua một căn hộ trong danh mục quy định. Mỗi chủ đầu tư cũng chỉ được vay vốn một lần cho một dự án.

 

Dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 cần 1,2 triệu căn. Có 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với 155.800 căn. Hơn 400 dự án đang triển khai quy mô 454.360 căn.

 

(Theo vnexpress.net)

https://vnexpress.net/thu-tuong-phe-duyet-de-an-xay-mot-trieu-can-nha-o-xa-hoi-4588819.html?gidzl=W59pJ_wxsX2CJNfEygNU48r8U4dbz8f5nHuY5BV_qat94N8Sjw-1G9L0TasrhjD3m1KXIZP6s95ezxlK5W

Viết bình luận của bạn: